Gan nhiễm mỡ nên ăn gì để tốt cho sức khỏe? Cùng tìm hiểu về bột yến mạch và lạc trong điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả, an toàn!
Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ
Gan hoạt động không ngừng để lọc hơn một lít máu mỗi phút. Gan còn có một số chức năng khác tác động đến mọi hệ thống cơ thể, bao gồm chức năng miễn dịch, tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Do đó, khi gan trở nên chậm chạp do tổn thương, nhiễm trùng hoặc tình trạng sức khỏe, toàn bộ cơ thể bị ảnh hưởng.
Gan nhiễm mỡ xảy ra khi chất béo tích tụ trong mô gan. Điều này có thể xảy ra do nghiện rượu, bệnh tật hoặc do gan gặp khó khăn trong việc phân hủy chất béo.
Một loạt các nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Chúng bao gồm tác dụng phụ của một số loại thuốc, nồng độ cholesterol cao, chất béo triglyceride trong máu cao, béo phì, giảm cân nhanh, tiểu đường tuýp 2 và hội chứng chuyển hóa…
Trong gan nhiễm mỡ không do rượu, sự tích tụ chất béo dần dần trong gan có thể không gây ra các biến chứng hoặc triệu chứng nào khác. Loại gan nhiễm mỡ này là phổ biến nhất. Tuy nhiên, chất béo lâu ngày tích tụ trong gan có thể dẫn đến viêm, làm suy giảm chức năng gan và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Điều trị bệnh gan nhiễm mỡ cũng thay đổi tùy theo nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng và thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan, như bột yến mạch, có thể giúp giảm mức cholesterol trong máu và chất béo trung tính, duy trì giảm cân lành mạnh và ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ nên ăn gì? – Bột yến mạch
Bột yến mạch và các thực phẩm khác giàu chất xơ hòa tan giúp giảm lipoprotein mật độ thấp – một dạng cholesterol không lành mạnh có thể tích tụ trong gan, mạch máu và các khu vực khác. Chất xơ hòa tan ảnh hưởng đến mức cholesterol trong máu bằng cách giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu từ ruột.
Một chén bột yến mạch nấu chín chứa khoảng 6 gram chất xơ. Chỉ cần 5 đến 10 gram chất xơ hòa tan mỗi ngày có thể làm giảm mức cholesterol toàn phần và lipoprotein.
Các loại thực phẩm khác có chứa lượng chất xơ hòa tan cao bao gồm các loại đậu, lúa mạch, cám lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt, mận khô, táo và lê.
Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyên rằng chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm 25 đến 38 gram chất xơ hòa tan và không hòa tan mỗi ngày, nhưng hầu hết mọi người chỉ tiêu thụ một nửa lượng được đề nghị. Thêm bột yến mạch và các nguồn thực phẩm chất xơ hòa tan khác vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp giảm nguy cơ và tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ cùng các biến chứng sức khỏe khác.
Gan nhiễm mỡ nên ăn gì? – Lạc
Lạc, hay đậu phộng là đồ ăn nhẹ tiện lợi và ngon miệng, có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Loại thực phẩm này thậm chí có thể có lợi ích trong việc điều trị gan nhiễm mỡ.
Mục tiêu điều trị gan nhiễm mỡ là giảm cholesterol và đậu phộng có thể giúp ích cho quá trình này. 28 gram đậu phộng chứa 14 gram chất béo, bao gồm 11,3 gram chất béo không bão hòa và chỉ 1,9 gram chất béo bão hòa. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống năm 2010 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, chọn chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa có thể làm giảm cholesterol. Còn theo Trung tâm Thông tin Vi chất dinh dưỡng Linus Pauling, trong đậu phộng cũng chứa chất xơ và phytosterol là các chất dinh dưỡng làm giảm cholesterol khác.
Những người thường xuyên ăn các loại hạt hoặc đậu phộng có xu hướng có trọng lượng cơ thể thấp hơn. Đậu phộng và các loại hạt có thể giúp bạn ăn ít calo hơn vì chất đạm và chất xơ của chúng chứa đầy chất dinh dưỡng. 28 gram đậu phộng có 161 calo. Vì vậy để ngăn ngừa tăng cân, hãy thêm lạc vào chế độ ăn uống và ăn chúng thay vì các nguồn calo khác.
Bột yến mạch và lạc là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất xơ tốt cho việc điều trị và giảm gan nhiễm mỡ. Bổ sung các đồ ăn này vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe gan hiệu quả.